5 điều cần dạy con khi đến thăm nhà người khác

09/05/2022 07:50
Để con không gặp khó khăn khi tương tác với mọi người và cư xử đúng mực, bạn nên dạy cho con các quy tắc cơ bản.

Chào hỏi khi gặp người lớn tuổi

 

Chào hỏi là một trong những kỹ năng giao tiếp xã hội mà trẻ em cần được dạy từ sớm. Điều này thể hiện sự lễ phép, giúp trẻ có được thiện cảm, sự quý mến của mọi người, là phép giao tiếp cơ bản mà ai cũng cần học. Kể cả con bạn còn nhỏ, uốn nắn con biết chào hỏi khi gặp gỡ, tạm biệt khi ra về luôn cần thiết.

Người lớn là tấm gương cho trẻ nhỏ, vì thế, bạn nên chủ động trở thành hình mẫu cho trẻ noi theo. Khi đến nhà một người khác, đừng nên vội xộc vào nhà họ. Cần chủ động chào hỏi chủ nhà và các thành viên trong gia đình, xưng hô lịch sự và lễ phép. Trẻ thấy cha mẹ như vậy cũng chủ động bắt chước theo.

Không vào phòng riêng, trèo lên giường của gia chủ

Phòng ngủ, giường ngủ là nơi riêng tư của mỗi gia đình. Đó cũng là nơi gia chủ để đồ quan trọng như tiền bạc, nữ trang... Nhiều người lớn có suy nghĩ "không ai chấp trẻ nhỏ" nên để trẻ tùy tiện xộc vào phòng người khác, thậm chí trèo lên giường khi chưa được cho phép... Do đó, trước khi trẻ đến nhà người khác, nên dạy bé quy tắc cơ bản này.

Bạn cũng cần nhắc trẻ đừng lục ngăn kéo, tủ... của gia chủ khi chưa được sự cho phép. Nếu bé muốn chơi với đồ chơi của chủ nhân hoặc đọc sách, bạn có thể nhắc con hỏi chủ sở hữu trước. Chỉ khi được cho phép, bé mới sử dụng đồ đó.

Nói cảm ơn, xin lỗi, đón nhận đồ bằng hai tay

Cảm ơn hay xin lỗi là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn hóa, là hành vi văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội. Các quy tắc giao tiếp này vốn là rất cơ bản và hữu ích. Khi trẻ biết nói lời cảm ơn, trẻ cho thấy sự tôn trọng gia chủ. Nó còn cho thấy khả năng quan tâm, biết ơn người khác. Kết quả của một nghiên cứu do đại học Harvard chỉ ra, người có lòng biết ơn là những người nhân ái, rộng lượng và nhận được nhiều sự giúp đỡ trong cuộc sống.

Dạy trẻ quy tắc trên bàn ăn

Quy tắc trên bàn ăn bao gồm mời cơm, cầm đũa bát, không xới đồ ăn lung tung hay gõ đũa vào chén... đều rất thiết thực, cần thiết trong văn hóa Á Đông. Do đó, việc rèn giũa trẻ nắm được các quy tắc này là quan trọng. Khi sang thăm nhà người khác, trẻ không quấy rối, làm ảnh hưởng đến bữa ăn tập thể và khiến mọi người bực mình.

Dạy trẻ không nói lời nhận xét thiếu tế nhị

"Nhà này bẩn", "Nhà này xấu", "Món này bác nấu chẳng ngon"... là những suy nghĩ của trẻ khi đến chơi nhà ai đó không được đẹp mắt, ưng ý như chúng nghĩ. Tuy nhiên, nên khuyên con không thốt ra những lời như vậy trước mặt gia chủ, khiến họ cảm thấy ngại ngần. Bạn nên lựa lời dạy trẻ tôn trọng cuộc sống cá nhân của người khác bằng cách không đưa ra những đánh giá quá hồn nhiên.

Thùy Linh (Theo QQ)Trở lại Đời sốngTrở lại Đời sốngChia sẻ ×

Theo Nguồn vnexpress.net

5 điều cần dạy con khi đến thăm nhà người khác - Đời Sống