Sau thành công của "30 chưa phải Tết" đồng sản xuất với Trường Giang, đạo diễn Nguyễn Quang Huy tiếp tục ra mắt bộ phim "Trái tim quái vật". Đây là bộ phim án mạng, kinh dị, một thể loại gần như hiếm người làm trong làng điện ảnh Việt.
Điện ảnh tạo ra ngôi saoDòng phim án mạng, kinh dị là một thể loại mới mẻ ở Việt Nam, gần như không ai dám làm. Sự thắng thua khi ra rạp là điều mà bất cứ nhà sản xuất nào cũng quan tâm. Anh có nghĩ mình quá mạo hiểm?
Ở Việt Nam, có một thị trường phim ảnh để chúng tôi được làm nghề, được tồn tại, được kiếm cơm trong đó là một hạnh phúc. Điện ảnh Việt cũng như một cơ thể, cần phải được phát triển đồng đều từ đầu óc, mặt mũi tới chân tay. Khán giả không thể xem mãi một thể loại được.
Chúng tôi đều biết là rất khó. Đầu tiên là kịch bản, sau là diễn viên. Nhưng để dòng phim này trở thành dòng phim chính thức như hài, như hành động hay giang hồ... thì cần thời gian. Chúng tôi đang ở bước tìm tòi, mày mò đầu tiên. Tức là những người tiên phong.
Cũng giống như rap Việt đã có hơn 20 năm nhưng họ đã mất cả chục năm trong bóng tối. Nhưng họ vẫn cứ kiên trì để hôm nay, rap là dòng nhạc chính thức đáp ứng nhu cầu của khán giả chứ không phải là đệm, lót cho ca sĩ nữa.
Ngày hôm nay, tôi cũng lãng mạn như vậy. Có những người như đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp, kiên trì với con đường của mình thì sau này, dòng phim này sẽ có được sân chơi của riêng nó. Mọi thứ đều phải có sự bắt đầu là thế.
Điện ảnh đang khó khăn vì dịch covid-19. Phim rạp đang thiếu bom tấn nên khán giả Việt cần những tác phẩm đủ sức nặng để đưa được họ tới rạp. Anh có tự tin không và có dự tính trước được rủi ro gặp phải khi ra mắt phim vào thời điểm này?
Rủi ro luôn tồn tại. Nhưng tôi cho rằng, phim ảnh luôn có đời sống sâu hơn, mạnh hơn so với các show ca nhạc. Tại sao, là vì phim tạo ra ngôi sao. Còn ca nhạc phải có ngôi sao mới có show. Phim làm ra được ngôi sao vì nó có đời sống, chất liệu và cái hồn của cả một ê-kíp đặt vào đó. Đó là một thứ năng lượng khác.
Và mỗi một bộ phim lại có một đời sống khác nhau. Chúng ta không thể nhìn vào thành công của Ròm để nói mình tự tin hay tự ti được. Thành công của Ròm đến sau nhiều thất bại phòng vé khác mà thất bại đó là do dịch covid-19.
Nhưng sau Ròm, từ giờ tới Tết và năm sau nữa, muốn khán giả tới rạp thì phải làm gì. Tôi nghĩ, khán giả nuôi mình bằng những tấm vé, còn mình nuôi khán giả bằng những tác phẩm. Cách đây 5, 7 năm, tôi có dịp sang Thái xem phim. Cụm rạp đó lớn lắm, rất nhiều phòng chiếu. Tôi đi qua một dãy dài các poster thì toàn phim Mỹ. Cho tới cái cuối cùng, ở chỗ khuất nhất mới có 1 phim Thái.
Sau này, một người bạn là đạo diễn trong giới quảng cáo ở Thái Lan chia sẻ với tôi rằng, Thái Lan ngày xưa từng có thị trường phim sôi động. Nhưng một thời gian quá dài, khán giả chuộng phim Hàn, nhà phát hành chiều khán giả. Tới lứa sau, họ coi phim Mỹ, từ đó điện ảnh Thái mất đi thị trường nội địa.
Trong thời điểm này, không gì sướng hơn khi khán giả Việt Nam ra rạp Việt Nam chỉ thấy phim Việt Nam. Nếu ta giành được khán giả ở thời điểm này thì quá tốt vì tôi biết, nhiều người mặc định, không xem phim Việt. Mình không trách được.
Thời điểm này, nếu phim Việt ra rạp nhiều thì ít nhiều sẽ giành được niềm tin của khán giả là, phim Việt cũng coi được.
Vui khi thấy phim ra rạp thành công nhưng ... không phải vì tốt bụngTrước 'Trái tim quái vật' từng có Bằng chứng vô hình cũng cùng thể loại nhưng ra rạp không thành công. Anh có lo sợ phim mình cũng thế?
Không biết mọi người có tin không nhưng tôi luôn vui khi thấy bất cứ phim nào ra rạp thành công và luôn buồn khi có một phim nào đó thất bại.
Không phải do tôi tốt bụng đâu mà mỗi một phim thành công đồng nghĩa với việc, ngoài những khán giả đang đến rạp, họ còn tạo nên được một bộ phận khán giả khác tới rạp. Khách hàng càng đông thì hàng hóa càng đa dạng. Như vậy sẽ tốt hơn rất nhiều.
Năm nay, không riêng gì phim Việt mà phim nước ngoài cũng mệt mỏi, dù chúng ta nhìn thấy một vài điểm sáng. Trong tình hình chung đang xấu đó, mình không thể nói trước được điều gì. Không dự đoán được phim sẽ thành công hay thất bại. Chỉ biết, việc mình mình làm thôi.
Nếu tôi không ra năm nay, để sang năm thì sẽ quá nhiều phim, sẽ kẹt tàu kẹt đường, gây khó khăn nữa.
Nhiều nhà sản xuất can thiệp cả chuyện, diễn viên bước xuống xe là bước chân trái hay chân phải trước để phim thuận lợi, may mắn. Đây là phim đầu tay của đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp, anh có can thiệp sâu vào chuyên môn không?
Thật ra, Hiệp không lạ với anh em trong giới làm phim. Những ai chuyên theo dõi mảng phim chắc chắn biết Hiệp. Hiệp là gương mặt nhiều người kỳ vọng.
Còn quá trình làm phim "Trái tim quái vật", trong các buổi làm việc giữa tôi và Hiệp, tôi dừng đúng ở vị trí cố vấn. Tôi dự đoán gặp khó khăn gì và nói ra nhưng quyết định cuối cùng là của Hiệp. Mỗi nhà sản xuất có cách làm việc khác nhau. Đó là quy tắc làm việc của tôi.