Họ còn phải chịu số kiếp của kẻ tôi tớ suốt đời trong cung cấm và số phận hẩm hiu cô quạnh khi sống, hoang lạnh khi chết.
Trong sách Đời sống cung đình triều Nguyễn và sách Đời sống trong Tử Cấm Thành, tác giả Tôn Thất Bình cho biết, dưới triều Nguyễn, công việc chủ yếu của thái giám (tùy theo vị trí, thứ bậc) là tổ chức đám cung phi mỹ nữ, hầu hạ nhà vua (cùng với các nữ quan làm việc dưới quyền); thực hiện các việc liên quan đến chuyện chăn gối của nhà vua như sắp xếp ngày giờ vua gặp các vương phi, ghi chép lại tên họ vương phi mà vua vừa mới chung chăn gối để sau này nếu bà ấy có con thì xác nhận. Ngoài ra, họ còn phục vụ các bà cung phi góa bụa trên các lăng tẩm. Số lượng thái giám mỗi đời vua khác nhau. Thời vua Tự Đức có khoảng 60 người.
Tuyển chọn, phân cấp thái giám
Thái giám được tuyển vào cung chủ yếu từ hai nguồn, một là không có “sinh thực khí” (khi sinh ra đã khuyết bộ phận sinh dục), “phi nam, phi nữ”, gọi là giám sanh, hai là tự thiến đi để được tuyển vào cung, gọi là giám lặt.
Hình ảnh các nữ quan và thái giám triều Nguyễn xưa. Ảnh tư liệu |
Những thiếu niên bị thiến từ khi còn nhỏ rồi sau đó đưa vào cung nuôi, những người này phần lớn gia cảnh nhiều khó khăn. Được tuyển vào cung làm thái giám thì gia đình sẽ được nhiều quyền lợi vật chất, cha mẹ sẽ được nhà nước cho người cấp dưỡng. Ngoài ra, trong các dịp đại lễ ở cung đình nhà Nguyễn, thái giám cũng được ban thưởng tiền bạc, vải vóc… như những người khác trong đại nội.
Năm Minh Mệnh thứ 5 (1824), vua ban chỉ cho đình thần truyền chỉ các hạt Bắc thành, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, trong các làng xóm sở tại, trai từ 13 tuổi trở lên, 65 tuổi trở xuống, hễ ai là giám sanh thì dẫn đích thân người yêm hoạn ấy đến trình quan địa phương để kiểm nghiệm xác thực, rồi dẫn về kinh vào bộ Lễ để bộ tấu thay. Sau khi được chỉ, cho mang người ấy vào nội đình sai khiến việc quét tước.
Năm Minh Mệnh thứ 16 lại ban sắc cho một bộ tư đi trong kinh và ngoài các tỉnh, hỏi rõ trong hạt nếu có người yêm hoạn, không kể già trẻ phải dẫn đến kinh. Nếu dụng tình giấu diếm mà bị phát giác sẽ mang tội. (Một số tư liệu khác cho biết việc tuyển thái giám đến thời vua Bảo Đại mới chấm dứt).
Về đẳng cấp, triều Nguyễn cũng đặt ra cho thái giám các thứ hạng. Theo sách Đại Nam thực lục, năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) vua ra chỉ dụ, chia các thái giám làm 5 đẳng gồm: Quản vụ thái giám, điển sự thái giám đều là thủ đẳng; kiểm sự thái giám, phụng nghi thái giám đều là thứ đẳng, thừa phụng thái giám, điển thảng thái giám đều là trung đẳng, cung sự thái giám, hộ thảng thái giám đều là á đẳng, cung phụng thái giám, thừa biện thái giám đều là hạ đẳng. Lại quy định tiền lương và gạo cho từng hạng.
Về y phục, thái giám mặc một loại y phục riêng để phân biệt với các quan. Theo nguyên tắc ấn định của triều đình, y phục của thái giám đặc biệt là chiếc áo dài bằng lụa xanh, dệt hoa ở mảng trước ngực, mũ cũng theo kiểu thức riêng.
Hiểu rõ đời tư của vua, được phi tần đút lót
Vốn là người hầu gần vua và biết rất rõ về đời tư của vua, nên có nhiều thái giám đã lạm quyền, để tránh sự nhũng lạm này, năm vua Minh Mệnh 17, vua đã ban dụ chỉ dùng thái giám những việc sai vặt trong cung, không cho can dự vào triều chính. Theo sách Đại Nam thực lục, vua ngại thái giám có uy quyền, địa vị sẽ lợi dụng để gây nhiễu sự, hoặc lộng hành, không kiềm chế được như Hoàng Công Phụ (hoạn quan chuyên quyền thời hậu Lê), gần nhất là Lê Văn Duyệt khởi thân làm hoạn quan, vì cậy có công nên càn rỡ, gây mầm loạn, do đó ban dụ không cho thái giám được dự vào phẩm cấp trong quan chế.
Các thái giám, những người giám hộ hoàng cung. Ảnh tư liệu |
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử sau này cho rằng, Lê Văn Duyệt có những can gián trong việc muốn đưa Hoàng tử Cảnh nối ngôi Vua Gia Long và tỏ ra không thuận tình về việc lên ngôi của vua Minh Mạng là con thứ. Trong sách Đại Nam thực lục, thời Minh Mạng, thái giám ít được nhắc đến, khác hẳn thời Gia Long, vua tin tưởng giao nhiều quyền và bổ nhiều thái giám vào các chức vụ quan trọng.
Dù không được can dự vào triều chính và chủ yếu làm các việc sai vặt, hầu hạ vua, hoàng thái hậu, các bà phi, nhưng nhiều thái giám cũng biết khai thác điểm ưu thế nhất trong công việc của mình, đó là việc liên hệ chuyện chăn gối của vua với các phi tần, cho dù việc chọn lựa người để ân ái là do vua quyết định. Tác giả Tôn Thất Bình cho biết, các phi tần muốn được vua yêu chuộng hẳn phải nhờ tài ăn nói của các thái giám gần cận vua để tâu bày, chỉ định và sắp xếp mọi công việc liên quan đến việc hưởng lạc của nhà vua. Một số tư liệu khác cho biết thêm, nhiều thái giám hay được các bà đút lót quà bánh để được vua sủng ái nhiều lần. Có nhiều bà do khinh thường thái giám nên suốt cả cuộc đời ở trong cung cấm vẫn không một lần được thấy mặt vua…
Hẩm hiu khi sống, hoang lạnh khi chết
Cuộc đời của thái giám bên cạnh phải chịu số kiếp của kẻ tôi tớ suốt đời trong cung cấm, cũng phải phải chịu số phận hẩm hiu cô đơn khi sống, hoang lạnh khi chết.
Nơi an nghỉ của 24 vị thái giám triều Nguyễn tại vườn chùa Từ Hiếu thời Pháp thuộc và ngày nay. Ảnh tư liệu |
Do cơ thể khác với người thường nên một số thái giám có điệu bộ, giọng nói và tính tình khác với lứa tuổi và giới tính. Họ cũng cô đơn và cũng cần tìm đến với nhau cho quên hận sầu. Vì vậy có trường hợp thái giám cưới vợ, không phải để giải quyết sinh lý, mà để có bạn đời trò chuyện hàn huyên nỗi ấm lạnh, sự ngọt bùi, chia sẻ buồn vui sự thế.
Vì không có con để nối dõi tông đường và thờ phụng sau khi chết, nên các thái giám đã đóng góp tiền của để tu sửa chùa Từ Hiếu vào năm 1893. Chùa này, vào năm 1843 dưới đời vua Thiệu Trị, một thái giám tên là Châu Phước Năng đứng ra quyên góp tiền để trùng tu. Người Pháp gọi đây là chùa Thái giám.
Tác giả Tôn Thất Bình cho biết, có lẽ trong thời gian ở Tử Cấm Thành, các thái giám cũng chẳng được yên bình, thanh thản trong tâm hồn, nên khi cuối đời được trở về dưới mái chùa Từ Hiếu, họ an tâm. Vì thế tấm bia dựng ở ngôi chùa mới có nội dung như sau: “Trong đời sống chúng tôi tìm thấy sự yên bình. Khi ốm đau, chúng tôi lui về đây khi chết, chúng tôi được chôn chung ở đây. Dù sống hay chết, chúng tôi vẫn tìm thấy sự an nghỉ tại nơi này”.
Hiện nay, trong vườn chùa Từ Hiếu vẫn còn lăng mộ hoang lạnh của hơn 20 vị thái giám. Họ nương nhờ cửa phật để được hương khói hàng năm và được cúng giỗ trong những kỳ húy nhật nhật.
Minh ChâuSố phận thái giám trong cung xưa Đời sống cung đình triều Nguyễn Đời sống trong Tử Cấm thành Thái giám Chùa Từ Hiều
Bạn có thể quan tâm