GD&TĐ -Sau khai giảng năm học 2024 - 2025, liên tục ghi nhận ca ngộ độc thực phẩm ở học sinh.
Học sinh Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) trong giờ ăn trưa tại nhà ăn của trường. Ảnh: NTCC |
Các trường học đã siết chặt việc kiểm thực 3 bước, thực hiện quy trình bếp ăn một chiều để tránh nguy cơ nhiễm chéo giữa các thực phẩm…
Lơ lửng nguy cơ
Sau khi dùng cơm tại căng tin Trường THCS - THPT Kiên Hải (Kiên Giang), chiều 23/9, một số học sinh của trường có triệu chứng nghi bị ngộ độc thực phẩm như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, sốt. Sau đó, ban giám hiệu và giáo viên đưa 12 học sinh nhập viện.
Một số trường hợp khác, phụ huynh mua thuốc cho uống và đưa các em đến thăm khám tại Trung tâm Y tế huyện Kiên Hải. Đến sáng 24/9, có 12 học sinh nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Kiên Hải. Trong đó, 1 học sinh huyết áp thấp nên Trung tâm Y tế huyện Kiên Hải chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang theo dõi, điều trị; 3 học sinh được gia đình xin chuyển viện vào đất liền.
Căng tin bán tại Trường THCS - THPT Kiên Hải do ông Nguyễn Văn Chơn đứng tên. Theo kết quả làm việc của đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), tại thời điểm kiểm tra, xung quanh chỗ chế biến có một công trình vệ sinh lò đốt rác sinh hoạt của khu vực dân cư và khá nhiều ruồi.
Nguồn nước nấu ăn ở căng tin là nước giếng khoan không qua hệ thống lọc; thiếu sổ kiểm thực phẩm 3 bước; không thực hiện lưu mẫu thức ăn hằng ngày và không trang bị bảo hộ lao động cho nhân viên khi chế biến thức ăn. Chủ căng tin cũng không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của một số thực phẩm mua vào như thịt gà, thịt lợn, bì lợn, phụ gia và phẩm màu… để chế biến thức ăn.
Mới đây nhất, sau bữa ăn bán trú trưa ngày 10/10, Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3, TP Hồ Chí Minh) có 6 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm với các biểu hiện đau bụng, trong đó 2 em có thêm triệu chứng nôn ói. Chiều 10/10, có 5 học sinh được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn để theo dõi và xuất viện cùng ngày.
Ngay sau khi nhận thông tin, Phòng Y tế Quận 3 đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận, Trạm y tế phường Võ Thị Sáu điều tra dịch tễ tại hiện trường, niêm phong mẫu lưu thực phẩm và đang chờ kết quả kiểm nghiệm.
Được biết, suất ăn bán trú tại Trường THPT Lê Quý Đôn do một công ty tại Quận 1 cung cấp, thức ăn chế biến sẵn và vận chuyển đến trường bằng xe tải, sau đó chia theo từng khay và phục vụ tại phòng ăn của trường. Cả 6 học sinh trên đều ăn món bún gạo xào thịt nướng/nem nướng và canh hẹ.
Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp của Trường Tiểu học Lê Đình Chinh thử một số món ăn để cùng nhà trường lựa chọn nhà cung cấp cho bữa ăn bán trú. Ảnh: NTCC
Từ nhà bếp đến bàn ăn
Cô Trần Thị Kim Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, nhà trường thực hiện chặt chẽ kiểm thực phẩm 3 bước. “Trong đó, với khâu tiếp nhận thực phẩm đầu vào, nhà trường đặc biệt quan tâm và kiên quyết không nhận thực phẩm đông lạnh. Thịt gà, lợn, cá… khi quan sát bằng mắt, sờ bằng tay có thể cảm nhận được độ tươi thực phẩm.
Ban giám hiệu, nhân viên y tế giám sát thực hiện bếp ăn, từ nhập nguyên liệu đến kiểm định nguyên liệu, test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, formol, ure, hàn the…; quá trình chế biến và chia khẩu phần…”.
Trường Tiểu học Ngô Gia Tự được chọn xây dựng bếp ăn mẫu bán trú thuộc dự án Bữa ăn học đường do Công ty Ajinomoto Việt Nam phối hợp Bộ GD&ĐT và Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) triển khai. Bếp xây dựng chuẩn Nhật Bản, tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc về ATVSTP và nâng cao hiệu suất hoạt động.
Thiết kế bếp phân chia theo từng khu vực riêng biệt như khu tiếp nhận nguyên liệu, sơ chế, chế biến, vệ sinh... với quy định trang phục khác nhau ở từng khu vực và dụng cụ làm việc đánh dấu theo màu sắc.
Tuy nhiên, theo cô Kim Bình, quá trình vận hành bếp ăn bán trú, để đảm bảo khép kín quy trình ATVSTP từ nhà bếp đến bàn ăn, còn phụ thuộc vào nhiều khâu khác nhau. Ví như nguồn nước, cứ 6 tháng, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự tiến hành xét nghiệm 1 lần và phải đảm bảo các chỉ số theo yêu cầu.
Nhân viên nhà bếp, ngoài khám sức khỏe định kỳ, tập huấn, cấp giấy chứng nhận ATVSTP còn phải có ý thức vệ sinh môi trường xung quanh khu vực chế biến thức ăn và cả khu vực nhà ăn. Thậm chí, khu vực nhà vệ sinh, vị trí để các thùng rác của nhà trường cũng phải đảm bảo sạch sẽ để tránh phát sinh ruồi muỗi…
Trường Tiểu học Ngô Gia Tự có chương trình 3 phút giáo dục thay đổi nhận thức cho học sinh. Theo đó, các em được xem các clip ngắn liên quan đến từng bước rửa tay sạch trước khi ăn, kiến thức về ATVSTP, cách giữ gìn môi trường sống sạch sẽ để tránh phát sinh ruồi muỗi, côn trùng…
“Chúng tôi tính toán để trước khi vào bữa ăn, học sinh có đủ thời gian di chuyển đến nhà ăn, vệ sinh cá nhân trước khi bước vào bàn ăn. Các em sẽ dần hình thành thói quen trước bữa ăn, tay phải được rửa sạch sẽ, tránh bị nhiễm khuẩn”, cô Trần Thị Kim Bình cho biết.
Trong khi đó, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho hay, với tổ chức bếp ăn bán trú, phải siết chặt quy trình từ khi nhận thực phẩm sống, đến sơ chế, chế biến và chia thức ăn chín về các lớp. Nếu quá trình thực hiện sơ suất hoặc chỉ cần một thành viên không chú tâm sẽ có sự việc xảy ra và không đảm bảo chất lượng bữa ăn.
Theo kinh nghiệm của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, trong xây dựng thực đơn bán trú, cần phải tính đến việc kết hợp các thực phẩm với nhau trong một bữa ăn để tránh trường hợp phản ứng chéo.
Cô Thu Nguyệt lấy ví dụ, bữa ăn xế của học sinh có uống sữa đậu nành thì trong bữa ăn trưa, không đưa món ăn chế biến từ trứng gà vào để tránh thức ăn phản ứng nhau. Hoặc các thực phẩm dễ gây dị ứng, khó tiêu cũng không nên đưa vào bữa ăn bán trú. Các món được làm chua như cà rốt, đu đủ thái sợi ngâm giấm… đều không đưa vào thực đơn vì dạ dày của học sinh tiểu học còn yếu, khó tiêu hóa.
Nhân viên cấp dưỡng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chia thức ăn bán trú theo từng suất dựa trên định lượng chuẩn. Ảnh: NTCC
Xây dựng thế chân kiềng
Ngày 5/9, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành chỉ thị về việc tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố, trong phạm vi lĩnh vực phụ trách, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện một số nội dung gồm: Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm theo phạm vi, lĩnh vực phụ trách; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục về an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Tuyệt đối không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ quy định về an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.
Theo ông Võ Hồng Vân - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Khánh Hòa, trong trường học, công tác đảm bảo ATVSTP làm tốt, nhưng khó quản lý chất lượng thực phẩm những người bán hàng rong, hộ bán gần trường. Vì thế, cần tăng cường tập huấn và truyền thông trực tiếp với nhóm hộ kinh doanh này hoặc có thể mời tổ trưởng tổ dân phố truyền thông lại cho họ. Nếu các hộ chế biến thực phẩm đều lưu mẫu và kiểm thực 3 bước thì dễ truy xuất được đầu vào.
Còn tại Đà Nẵng, bà Lê Thị Hoàng Chinh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê cho hay: “Phòng GD&ĐT thường xuyên phối hợp phòng Y tế kiểm tra công tác an toàn thực phẩm, trường học tại các nhà trường; giám sát, kiểm tra đột xuất, định kỳ về chất lượng bữa ăn nhằm có biện pháp chấn chỉnh và hỗ trợ kịp thời.
Tuyệt đối không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các cơ sở giáo dục.
Ngoài ra, trường học cần khuyến khích phụ huynh tham gia giám sát các khâu: Tiếp nhận đầu vào, chế biến, chia thức ăn chín, cả việc ăn thử để góp ý chất lượng bữa ăn cho đội ngũ cấp dưỡng. Công tác này có thể thực hiện định kỳ hoặc đột xuất”.
Trong hợp đồng với nhà cung ứng thực phẩm, cả Trường Tiểu học Ngô Gia Tự và Lê Đình Chinh đều lưu ý không nhận thực phẩm đông lạnh. Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt lý giải: “Trong hệ thống bếp của các trường tiểu học gần như không trang bị máy rã đông. Ví dụ như gà, nếu đặt hàng đông lạnh mà rã đông tự nhiên thì không thể biết trong xương, tủy đã rã đông hay chưa. Nếu còn đông lạnh phía trong thì miếng thịt gà dù nấu chín bên ngoài vẫn có nguy cơ nhiễm khuẩn cao”.
Tin liên quan Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh bán trú Ninh Bình siết chặt vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường mầm non