Phạm Quang Tuân (1989, quê Quảng Trị hiện sinh sống tại Sài Gòn) đã có gần 10 năm làm blogger du lịch. Sở thích của Tuân là đi những nơi cho mình nhiều trải nghiệm và thử thách. Như đi biển thì phải lặn biển, đi núi thì phải tự trekking. Còn đi những vùng đất đẹp, cung đường đẹp thì hãy cảm nhận bằng xe máy. Và được chạy xe lang thang dưới dãy núi huyền thoại ở Ladakh (Ấn Độ) là chuyến đi mà chàng trai trẻ đã ấp ủ từ lâu.
Mùa thu vàng ở Ladakh
Năm 2016, Quang Tuân đã từng đến Bhutan. Tuy nhiên cảm giác ngồi trên xe oto đi qua những cung đường đèo, bỏ qua những cảnh đẹp ven đường khiến Tuân cảm thấy rất tiếc nuối. Vì quá mê mẩn cảnh vật của những vùng đất dưới dãy núi Himalaya và muốn có thời gian rong ruổi nhiều hơn, nên trong chuyến đi Ladakh cùng với bạn của mình vào năm nay, Tuân quyết định chọn xe máy làm phương tiện di chuyển.
Không phải người quá rành về xe máy, thậm chí chưa bao giờ chạy xe côn phân khối lớn, Quang Tuân đã phải dành thời gian để tập và chuẩn bị rất kĩ. Sau khi bay xuống Ladakh, ngày đầu tiên chàng trai Quảng Trị để cơ thể làm quen với độ cao, hôm sau mới bắt đầu đi thuê xe để chạy thử và làm quen đường.
Tới ngày thứ ba, Tuân cùng người bạn của mình mình bắt đầu xuất phát. Con đèo đầu tiên hai chàng trai chinh phục là Khardung La.
Nằm ở độ cao 5.359m, đèo Khardung La là con đường dành cho xe cơ giới nhất cao thứ 4 thế giới và đóng vai trò là cửa ngõ vào thung lũng Nubra và Shyok ở vùng Ladakh của bang Jammu và Kashmir, cực bắc của Ấn Độ.Chạy xe dọc con đường trên đèo, phóng tầm mắt ra xa là thung lũng rộng hớn, những con đường uốn lượn lên núi và những lá cờ ngũ sắc tung bay trên mái vòng óng ánh của các bảo tháp stupa.
Quang Tuân trên đỉnh đèo Khardung La
Xuống đèo Khardung La, Quang Tuân chạy xe di chuyển về thung lũng Nubra để tìm chỗ cưỡi lạc đà. Tuy nhiên vì không chuẩn bị trước, tìm hiểu kĩ thông tin nên hai chàng trai đã đi lạc cách xa địa điểm cưỡi lạc đà tới 60km.
Giữa những cung đường đèo quanh co không xác định được phương hướng và điểm đến, thời tiết thì lạnh giá, xung quanh tối om không một căn nhà, Quang Tuân cùng bạn may mắn gặp được đồn cảnh sát nhỏ và xin được nghỉ lại nhờ một đêm. Đến sáng hôm sau khi tiếp tục di chuyển tới địa điểm cưỡi lạc đà, Tuân mới “tá hỏa” khi phát hiện đêm qua mình chạy xe trên một con đường đèo nhỏ xíu với một bên là vực thẳm. “Không hiểu vì sao tối đó mình có thể đi được, đến ban ngày đi nhìn còn ớn”. Tuân chia sẻ về kỉ niệm dở khóc dở cười trong chuyến đi.
Địa điểm cưỡi lạc đà tại làng Hunder
Điểm đến tiếp theo của hai chàng trai là hồ Pangong. Pangong là một hồ nước rút thuộc Ladakh - Kashmir, Ấn Độ nằm trên dãy Himalaya ở độ cao khoảng 4.350 m, trải dài qua biên giới hai nước Ấn Độ và Trung Quốc. Với chiều dài khoảng 155 km chạy từ tây sang đông, rộng từ 40m đến 15km, sâu trung bình 57m, hồ Pangong từ lâu là địa điểm du lịch nổi tiếng. Di chuyển bằng xe máy tới ngày thứ 5, Tuân bắt đầu cảm thấy sự giá lạnh của thời tiết “ăn” sâu vào da thịt hơn. Tuân khá mệt và đi chậm hơn những ngày đầu. Tuy nhiên sự hùng vĩ và đẹp tuyệt diệu của thiên nhiên cũng đã “tiếp sức” cho chàng trai trẻ.
Khung cảnh buổi sớm ở hồ Pangong
Thử thách lớn nhất trong chuyến đi là chinh phục đèo Chang La. Toạ lạc ở độ cao khoảng 5.360m, Chang La là con đường dành cho xe máy cao thứ 3 trên thế giới. Con đèo nằm trên đường từ thị trấn Leh đến hồ Pangong ở Ladakh thuộc bang Jammu và Kashmir. Chang La nổi tiếng với những đoạn đường hùng vĩ, một bên là vách đá cao chót vót, bên còn lại là vực thảm sâu hun hút. Băng và tuyết phủ quanh năm, nên đường đi khá nguy hiểm và trơn trượt. Không khí loãng cũng khiến du khách cảm thấy đau đầu và mất sức.
Khi Quang Tuân đến Chang La, tuyết rơi dày đặc nên tất cả phương tiện phải đợi bên dưới đèo 2 tiếng để công nhân trên đèo dọn tuyết trên mặt đường. Khi lên đèo thì hầu như tất cả xe máy đều bị đổ, ngã một vài lần do đường quá trơn.
”Trong chuyến đi mình ấn tượng nhất là lúc đoàn xe máy “bò” trên con đường phủ đầy tuyết trắng ở Chang La. Tất cả đi với tốc độ 10km/h nhưng vẫn bị ngã liên tục. Thế nhưng mọi người dù không cùng quốc tịch, đều cố gắng để hỗ trợ nhau, đỡ xe người bị té, rồi phân làn đường, rồi làm cho băng tuyết bớt trơn hơn. Cả đoàn xe không quen biết nhau cứ thế dìu nhau qua đoạn đường nguy hiểm”, Quang Tuân chia sẻ.
Hoàn thành thử thách ở Chang La, Tuân cùng bạn chạy xe về lại Leh để nghỉ đêm lấy lại sức và kết thúc hành trình.
Gần 10 năm rong ruổi nhiều nơi, thế nhưng trải nghiệm chạy xe máy dưới những cung đường quanh co tuyết phủ vừa tê tái vì lạnh, vừa choáng ngợp vì khung cảnh xung quanh vẫn là chuyến đi đặc biệt, mang lại nhiều cảm xúc cho Quang Tuân.
“Chuyến đi cho mình rất nhiều cung bậc cảm xúc, từ thót tim, lo lắng, cho đến vỡ oà. Thót tim vì chạy qua những đoạn đèo cực kỳ hẹp với một bên là vực thẳm. Lo lắng khi đi trong buổi chiều tối mà không biết mình sẽ chạy tới những đoạn đường nào xấu nữa hay không. Vỡ oà vì những con đường mình đi ngang qua quá đẹp, những cảnh vật mình dừng lại cứ ngỡ như là mơ.”
1 tuần với 1000km không phải là quãng đường dài, nhưng những trải nghiệm trên cung đường đó mới là điều giá trị. Cảm giác rong ruổi qua từng ngôi làng nhỏ nằm cách nhau cả trăm km, để cái lạnh buốt xuyên qua găng tay, ngấm vào từng ngón tay; được gặp gỡ những người bản địa giản dị, phong trần như tuyết; được ngắm nhìn những khung cảnh hoang sơ và nguyên thủy nhất từng thấy trong đời. Và rồi để thấy, cuộc đời đâu cần phải đi nhiều. Chỉ cần đi làm sao để sau này, khi trở về có nhiều thứ để ghi nhớ, để lưu luyến và để kể là được rồi.