Tắc từ sáng đến chiều vì người dân đổ xô ngắm hoa dã quỳ
7h30 sáng Chủ nhật (20/11), Nguyễn Thị Thu (22 tuổi) cùng 2 người bạn, đi trên ba xe máy từ quận Cầu Giấy lên Vườn Quốc gia Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) "săn" hoa dã quỳ.
Khi đến con đường độc đạo từ chân núi cách khu vực bán vé khoảng 500m, Thu sững sờ trước cảnh dòng người, phương tiện xếp hàng chật cứng.
"Chúng tôi mỗi lần nhích một tí, đợi 10 - 15 phút mới thoát khỏi điểm ùn tắc", Thu nói, chưa kịp vui mừng thì phía trước tiếp tục là hàng người xếp hàng đợi mua vé. Nhóm của cô phải đợi thêm 30 phút để qua trạm soát vé.
"Đây là lần đầu tiên tôi đến Vườn Quốc gia (VQG) Ba Vì, dù biết ngày Chủ nhật đẹp trời sẽ đông đúc, nhưng không ngờ đông nghẹt thở đến mức này", Thu ngán ngẩm nhìn xung quanh là "biển người" muốn "quay đầu" cũng không được.
Từ sáng 20/11, hàng dài người nhích từng chút một để lên tham quan Vườn Quốc gia Ba Vì. (Ảnh: NVCC).
Tiến sâu vào VQG Ba Vì, cô gái trẻ nhận thấy đường lên đỉnh núi dù đã giảm bớt ùn tắc dai dẳng nhưng vẫn có nhiều đoạn ùn tắc cục bộ, đặc biệt các đoạn ven đường có hoa dã quỳ nở rộ hoặc khu vực đồi hoa bởi nhiều người dừng xe chụp ảnh.
"Tôi khá hoang mang và chán nản trước khung cảnh hỗn loạn khi nhiều người dừng giữa đường chụp ảnh hay một vài nhóm phượt di chuyển nhanh", Thu kể, mất nhiều thời gian "canh" khi vãn người, mới tranh thủ đứng vào hàng hoa dã quỳ chụp ảnh thật nhanh với hi vọng có bức ảnh đẹp nhất.
Nhìn dòng xe đi lại tốc độ cao giữa đường đèo, Thu nơm nớp lo sợ, cố dặn hai người bạn đi cùng đảm bảo an toàn nhất có thể.
Trong khi đó,Ban Quản lý VQG cũng đã cử lực lượng kiểm lâm đi dọc tuyến đường nhắc nhở du khách không đi xe vượt quá tốc độ, không lạng lách, không bốc đầu xe; xung quanh lối lên cũng có biển cấm.
Đến đầu giờ chiều, nhóm của Thu quyết định về lại Hà Nội. Lúc này, dòng ngườikéo lên VQG Ba Vì vẫn đông đúc, thậm chí ùn tắc hơn buổi sáng.
"Chính quyền địa phương đã điều hướng người dân đi đường khác để giảm tải cho trục đường chính.Chúng tôi cũng phải đi vòng một đoạn xa tránh ùn tắc để về Hà Nội. Quả thực đây là một trải nghiệm không mấy tốt đẹp với tôi. Nếu có lần sau, tôi sẽ chọn đi trong tuần để vắng vẻ hơn", Thu ngậm ngùi chia sẻ.
Khu vực đường đèo hai bên có hàng hoa dã quỳ cũng rơi vào cảnh đông đúc nghẹt thở. (Ảnh: NVCC).
Trong khi đó, nhóm 6 thành viên của Minh Dương, xuất phát từ trung tâm Hà Nội từ 6h sáng, nhưng cũng không thoát được cảnh "lạc trong biển người" khi đến VQG Ba Vì.
"2km từ cổng VQG bắt đầu kẹt cứng, tôichỉ muốn quay xe về nhà ngay lập tức, nhưng đã quá muộn, mất một tiếng để thoát khỏi đám đông", Dương nói.
Tương tự,Nguyễn Đình Cánh (22 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) quan sát thấy nhiều người chưa đến trạm mua vé đã quyết định quay về. Anh cùng nhóm bạn cố chờ đến 12h trưa mới di chuyển đến bãi gửi xe, rồi tiếp tục đi lên đỉnh núi.
"Nhiều đoạn ùn tắc lưng chừng đèo khá nguy hiểm, nhất là với những bạn tay lái yếu", Cánh cho biết.
Trao đổi với PV Dân trí, chỉ huy đội CSGT huyện Ba Vì (Công an TP Hà Nội) cho biết, từ sáng 20/11, hàng nghìn người đổ xô lên VQG Ba Vì ngắm hoa dã quỳ, trong khi con đường lên núi hẹp nên đã xảy ra tình trạng quá tải.
Đội CSGT huyện Ba Vì đã phối hợp với các đơn vị của VQG cùng công an xã đến hiện trường phân luồng, điều tiết giao thông. Gần trưa, con đường đã thông thoáng, các phương tiện có thể di chuyển.
"Đây là tuyến đường nội bộ của VQG nên chúng tôi chỉ phối hợp để điều tiết. Trước đó, UBND huyện Ba Vì cũng đã có văn bản kiến nghị VQGkiểm soát chặt chẽngười ra/vào, chấm dứt tình trạng thanh niên không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng, bốc đầu", vị chỉ huy nói.
Theo anh, tháng 11 là dịp hoa dã quỳ nở rộ đẹp nhất, nên vào những ngày cuối tuần, lượng người đổ về đông đúc hơn so với ngày thường khiến lực lượng chức năng vất vả phân luồng, đảm bảo an ninh trật tự.
"Bí kíp" ngắm hoa dã quỳ tại VQG Ba Vì
Dã quỳ hay còn gọi là cúc quỳ, sơn quỳ, hướng dương dại là một loài cây dễ mọc, sinh trưởng nhanh, thường ra hoa vào dịp cuối thu, đầu đông (khoảng cuối tháng 10 đến đầu tháng 12 hàng năm).
Tại VQG Ba Vì - cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 50km, thời gian hoa nở rộ và đẹp nhất được dự báo từ ngày 5/11 đến 20/11, do đó đã thu hút hàng ngàn du khách khắp nơi đổ về.
Giá vé:
Giá vé tham quan VQG Ba Vì được niêm yết chính thức: 60.000 đồng/lượt/vé người lớn; 20.000 đồng/lượt/vé sinh viên và 10.000 đồng/lượt/vé sinh viên.
Vé ưu tiên: 30.000đ/người/lượt (áp dụng đối với người già trên 60 tuổi, người tàn tật…).
Đường đi:
- Từ Hà Nội du khách có thể đi theo Đại lộ Thăng Long hoặc quốc lộ 32, sau đó theo tuyến đường tỉnh lộ 414 (Sơn Tây - Đá Chông) đến Km8 + 800m sẽ có biển chỉ dẫn rẽ trái vào VQG Ba Vì.
- Từ Vĩnh Phúc du khách có thể qua cầu Vĩnh Thịnh rẽ trái đi theo đường tránh Sơn Tây, đến ngã tư Sơn Lộc rẽ phải theo tỉnh lộ 414 đến Km8 + 800m sẽ có biển chỉ dẫn rẽ trái vào VQG Ba Vì.
- Từ Phú Thọ du khách có thể qua cầu Trung Hà, cầu Văn Lang hoặc cầu Đồng Quang để hỏi đường đi tiếp đến VQG Ba Vì.
- Từ Hòa Bình du khách có thể đi theo quốc lộ 6 đến Xuân Mai rẽ trái theo đường Xuân Mai - Sơn Tây rẽ trái theo tỉnh lộ 414 đến VQG Ba Vì hoặc đi theo tuyến đường Hòa Bình - Chẹ - Đá Chông rẽ phải để hỏi đường.
Tình cảnh đông đúc bên trong VQG Ba Vì đã xảy ra nhiều năm nay, BQL liên tục cảnh báo du khách đảm bảo an toàn. (Ảnh: Toàn Vũ).
Một số lưu ý:
- Kiểm tra lại độ an toàn của xe, đổ thêm xăng dầu trước khi leo núi.
- Đi giày thể thao đế thấp để tránh bị trượt ngã.
- Không được tắt máy, về số mo và thả trôi xe khi xuống dốc.
- Giữ gìn vệ sinh chung, bỏ rác thải đúng nơi quy định.
Các hành vi bị từ chối phục vụ và không được hoàn lại tiền đã mua vé nếu cố tình vi phạm:
- Đi xe vượt quá tốc độ, đánh võng, lạng lách, bốc đầu xe.
- Uống rượu bia vượt quá nồng độ cồn cho phép.
- Không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe theo quy định.
- Nhổ cây, bẻ cành, hái hoa, săn bắt chim, thú, đốt lửa sai quy định.