Theo bạn là do tâm lý phải có được tấm bằng đại học mới có thể thành công trong sự nghiệp hay còn lý do nào khác?
Bằng cao đẳng, trung cấp, khó xin việc?
Vì nghĩ rằng tấm bằng đại học chính là tờ giấy thông hành tốt nhất để tiến tới một sự nghiệp thành công, nhiều bạn học sinh cùng với cha mẹ của họ luôn kỳ vọng rằng mình (con mình) có thể được học đại học. Nếu nguyện vọng 1 có thi trượt, thiếu điểm, hầu hết các học sinh sẽ chọn trường đại học thấp điểm hơn, hoặc học trường ngoài công lập thay vì học trường cao đẳng.
Minh Anh (SV năm nhất trường ĐH TL) cho hay: "Điểm thi tuyển của mình không thể đậu được trường đại học công lập nên mình đã chọn trường đại học dân lập, hiện các trường đại học dân lập cũng thường đào tạo các nhóm ngành giống như các trường công lập. Hầu như bạn bè mình chẳng ai chọn học cao đẳng vì lo sợ sẽ không xin được việc hay không được tuyển vào biên chế trong nhà nước."
Cùng quan điểm như trên bác Thanh - phụ huynh một học sinh lớp 12 cho biết: "Gia đình đã chuẩn bị tâm lý nếu cháu không thi đậu đại học công lập thì sẽ cho cháu học dân lập thay vì cho cháu học cao đẳng. Vì hiện nay, rất nhiều sinh viên đại học còn không xin được việc nói gì đến sinh viên cao đẳng."
Mặc dù nếu có tấm bằng cao đẳng trong tay, các cử nhân cao đẳng hoàn toàn có thể đăng ký thi tuyển để học liên thông lên đại học nhưng hầu hết các sinh viên ngày nay không muốn đi đường vòng, khi cơ hội học đại học còn rộng mở thì họ cũng không nghĩ đến chuyện đến nộp hồ sơ tại các trường cao đẳng, trung cấp.
Các trường trung cấp, cao đẳng sẽ đi về đâu?
Các trường cao đẳng sư phạm ngày càng khó tuyển sinh. Cả nước chỉ còn 33 trường cao đẳng sư phạm, số còn lại đã chuyển sang đào tạo đa ngành. Vậy thời gian tới, các trường cao đẳng sư phạm có còn tồn tại hay không?
Đó là bài toán không riêng của ngành cao đẳng sư phạm, hầu hết các trường cao đẳng, trung cấp khác cũng đang chật vật trong công tác tuyển sinh, duy trì các nhóm ngành đào tạo.
Một số trường cao đẳng tìm hướng đi khác như phát triển và xin cấp phép trở thành trường đại học, trong đó, Cao đẳng sư phạm Hà Nội nay trở thành Trường đại học Thủ đô, trường Trung cấp nghề Việt Hung trở thành Đại học Việt Hung… nhưng đây có vẻ không phải là hướng đi mà trường nào cũng có thể áp dụng.
Theo ông Lâm Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn - để các trường cao đẳng có thể tiếp tục tồn tại và phát triển, Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng thực hiện không cho các trường đại học đào tạo hệ cao đẳng. "Bộ cần quyết liệt hơn trong việc phân luồng đào tạo, trường đại học chỉ đào tạo đại học và trên đại học, trường cao đẳng đào tạo cao đẳng. Cần phải rõ ràng ra như vậy".
Một điều mà các trường cao đẳng nên thay đổi đó là chương trình giáo dục để có thể giúp sinh viên của mình có thể tiếp cận tốt hơn với thị trường việc làm. Theo bà Vũ Thị Hương – Trưởng phòng Hành chính – Nhân sự tại một công ty tư nhân thì: "Chúng tôi trả không quan trọng bằng cấp, chúng tôi trả lương theo năng suất lao động và kinh nghiệm làm việc, ở công ty tôi, vẫn có nhiều nhân viên chỉ có bằng cao đẳng nhưng có vị trí và mức lương cao hơn những người có bằng đại học."